Kỹ thuật trồng và cách nhận biết cây trầm hương trong tự nhiên
Nội dung bài viết
1. Thực hư về cây trầm hương
1.1. Cây trầm hương là gì
Theo dân gian truyền lại, trầm hương là sản phẩm được tạo thành do hương trời bay theo gió đáp vào chỗ bị thương trên cây Dó Bầu, hòa vào nhựa cây theo thời gian thì tạo thành trầm hương nên chúng chứa đựng linh khí đất trời.
Theo các nhà khoa học, trầm hương là phần gỗ chứa nhiều tinh dầu thơm sinh ra từ cây Dó bầu bị tổn thương (do mảnh đạn găm vào, giông bão, con người,…). Khi đó, để tự chữa lành vết thương cho mình, phần bị tổn thương sẽ tiết ra nhựa theo thời gian sẽ tích tinh dầu và trở thành một khối gỗ có mùi thơm đặc biệt.
Như vậy, trên thực tế không có loài cây nào tên "cây trầm hương" mà chỉ có một số cây dó bầu có khả năng tạo thành trầm. Và cũng không phải toàn bộ cây dó bầu đều trở thành trầm. Sở dĩ gỗ dó bầu có giá trị không cao nên người ta trồng với mục đích tạo trầm nhiều hơn là lấy gỗ, nên người ta gọi thành "cây trầm hương", chúng ta cũng có thể tạm chấp nhận cái tên này.
1.2. Đặc điểm nhận dạng cây dó bầu
- Thân cây
Đây là loại cây gỗ lớn rễ cọc thân thẳng, chiều cao trung bình khoảng 15 - 25m tuy nhiên cũng có một số cây cao đến 30 - 40m. Đường kính thân đạt 60 - 80cm. Thân cây có màu nâu xám, vỏ ngoài nhẵn, thịt vỏ màu trắng có nhiều chất xơ. Đôi khi vỏ cây có rãnh dạng lòng máng, nứt dọc lăn tăn, dễ bóc tách và tước ngược từ gốc lên ra khỏi thân. Thịt gỗ màu vàng nhạt, chất gỗ mềm có tỉ trọng 0.395.
Tán dó bầu thưa, cành mảnh dẻ, cong queo, cũng có màu vàng xám hay nâu nhạt, phủ lông mềm hoặc nhẵn.
- Lá cây
Lá dó bầu thuộc loại lá đơn hình bầu dục, hình trứng hoặc hình ngọn giáo nhọn ở gốc thon hẹp ở đầu mọc so le. Phiến lá mỏng dài từ 8 - 15 cm, rộng 4 - 6 cm. Mặt trên phiến lá nhẵn bóng và có màu xanh đậm, mặt dưới nhạt hơn có phần lông mịn đến tận cuống lá non. Cuống lá dài từ 4-5 mm, gân bên khoảng 15 - 18 đôi.
- Hoa dó bầu
Hoa dó bầu là loài hoa lưỡng tính, thường mọc thành chùm ở nách lá hoặc đầu cành. Chúng có hình chuông và có lông ở miệng. Hoa nhỏ không lớn, màu vàng xanh, trắng tro hoặc vàng xám. Cuống cụm hoa mảnh, dài từ 2 - 3 cm. Ở Việt Nam, tháng 7 - 8 là mùa hoa dó bầu nở. Cây dó bầu khoảng 4 - 5 năm tuổi sẽ bắt đầu ra hoa kết trái.
- Quả dó bầu
Đến khoảng tháng 9 - 10 dương lịch thì quả sẽ chín. Quả nhìn hơi giống trái su su hoặc hoặc hình quả lê hơi dẹp với kích thước dài 4 cm, rộng 2.5 -3 cm, dày 2 cm. Phía ngoài có lông mềm, thưa, ngắn; mặt trong gần như nhẵn. Vỏ quả được chia làm 2 phần mảnh xốp. Khi chín sẽ tự động tách ra để hạt rơi xuống đất. Mỗi quả có từ 1-2 hạt.
- Hạt dó bầu
Hạt dó bầu gồm 2 phần trong đó phần chính ở phía trên hình nón, phần kéo dài ở phía dưới. Hạt khi chín có màu nâu, phần vỏ ngoài hóa gỗ cứng, bên trong mềm có chứa nhiều tinh dầu nên không lưu trữ được lâu dài.
Trong tự nhiên khi hạt chín và rụng xuống đất nếu gặp điều kiện thích hợp sẽ nảy mầm ngay lập tức. Hạt dó bầu chỉ có thể bảo quản trong vòng một tuần nếu kéo dài hơn 7 ngày, tỉ lệ nảy mầm sẽ giảm đến 80%, thường không nảy mầm hoặc rất khó nảy mầm. Hạt khi chín có màu nâu. Phần ngoài cứng, bên trong mềm và có tinh dầu nên không lưu trữ được lâu.
2. Cây trầm hương sống ở đâu Việt Nam
Thực tế, cây dó bầu hay còn được gọi dó trầm, trầm dó, trầm hương là tên gọi chung cho một chi thực vật thuộc họ Trầm gồm 21 loài sống ở châu Á trong các khu rừng mưa nhiệt đới của Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines,...
2.1. Điều kiện sinh trưởng của cây dó bầu
Dó bầu sinh trưởng rải rác trong rừng thường xanh ẩm nhiệt đới, bao gồm cả rừng nguyên sinh và thứ sinh, nhất là trên những sườn núi hoặc trên đất bằng có độ cao 50 - 1000m có khi lên tới 1200m so với mặt nước biển.
Dó bầu (A. crassna) là loài rất ưa đất feralit, nhất là feralit trên núi phong hóa từ đá kết, đá phiến hay granit. Lớp đất mặt trung bình hay mỏng, hơi ẩm, có tính chua hoặc gần trung tính (khoảng 4 - 6 pH).
2.2. Phân bố của cây dó bầu ở Việt Nam
Ở nước ta, dó bầu thường phân bố rải rác trên sườn núi có độ dốc nhỏ, dễ thoát nước. Dó bầu thường mọc chung với các cây gỗ lớn như: Táu, huỳnh, gụ mật,... trong các khu rừng nguyên sinh Đôi khi cũng gặp cây dó bầu mọc trong rừng thứ sinh sống cùng các loài thánh thật, mò lưng bạc, bưởi bung, mít nài và ràng ràng.
Tại nước ta cho đến hiện tại tìm được tất cả 4 loài dó bầu được đặt tên theo những người tìm ra chúng là: Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte, Aquilaria baillonii Pierre ex Lecomte, Aquilaria banaense Pham-hoang-Ho và Aquilaria rugosa L.C.Kiệt & PJ.A Kessler. Dó bầu được tìm thấy tại các địa bàn như:
- Phía Bắc: Dãy núi Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn.
- Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
- Duyên hải Nam Trung Bộ: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
- Tây Nguyên: Gia Lai, Kontum, Đắc Lắk, Lâm Đồng
- Miền Nam: Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang (đảo Phú Quốc).
Tuy nhiên dó bầu có khả năng tạo trầm hương chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và số ít ở Nam Bộ, nhiều nhất là dãy núi Trường Sơn. Nhưng với sự khai thác bừa bãi, cho đến nay trầm hương cũng rất hiếm, thường chỉ thấy những cây dó bầu còn sót lại ở khu vực rừng già, rừng đầu nguồn.
3. Kỹ thuật trồng cây trầm hương
3.1. Cách trồng và chăm sóc cây dó bầu
- Điều kiện trồng cây dó bầu
- Nhiệt độ trung bình năm từ 20 - 25°C, lượng mưa từ >1500mm/năm, độ ẩm >80%.
- Đất ẩm, tơi xốp, độ dày tầng đất trên 40cm, có nhiều mùn, đất có độ pH trung tính tốt nhất là đất đỏ bazan. Đất đá vôi, cát, nhiễm phèn, nhiễm mặn hoặc hay bị ngập úng không nên trồng.
- Thời điểm trồng: Tốt nhất đầu mùa mưa
- Chuẩn bị giống
Dó bầu được trồng từ hạt. Do quá trình khai thác bừa bãi tìm trầm nên nguồn giống cây dó bầu có khả năng tạo trầm ít đi. Để phục vụ nhu cầu thị trường, người ta thường phải lấy hạt lai giữa dó bầu và dó me nên tỷ lệ tạo trầm không cao. Việc chọn cây dó bầu thuần chuẩn cần có thời gian cho các nhà thực vật học của Việt Nam tiếp tục nghiên cứu và làm việc.
Nguồn cung cấp giống cây dó bầu hiện nay thường ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, An Giang, Kiên Giang nhưng chưa qua khâu tuyển chọn. Vấn đề giống này cũng khiến nhiều người vỡ mộng như người ta đã tin vào "lan đột biến tiền tỷ", bởi giống không tốt, không phải cây dó bầu nào cũng có khả năng tạo trầm trong khi thời gian trồng rất dài. Vì vậy trước khi trồng dó bầu lấy trầm cần cân nhắc thật kỹ.
Nên nhớ hạt trong tự nhiên chỉ có khoảng 1 tuần từ khi chín để đảm bảo tỷ lệ nảy mầm. Còn nếu đi mua hạt, chỉ nên ươm những hạt đen bóng để có thể đạt tỷ lệ nảy mầm cao trên 80%.
- Ươm hạt
- Gieo hạt trên luống có thành phần đất có độ pH 5 - 6, giàn che tốt, có khả năng điều chỉnh ánh sáng.
- Sau 30 - 35 ngày, cây con sẽ được cho vào các bầu đất tơi xốp (có trộn thêm xơ dừa, tro trấu..) có kích thước 12x16 cm. Bầu cây vẫn được đặt trong vườn ươm có mái che bớt nắng mưa trực tiếp lên cây con.
- 30-45 ngày đầu nhớ thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây, ngày tưới 2 lần, lượng nước tưới 2-4l/m2.
- Sau 45 ngày đến khi cây xuất vườn ươm đem trồng lượng nước tưới giảm dần 3-5 ngày/ lần.
- Cây từ 2 tháng tuổi trở lên có thể bắt đầu bón phân với tần suất 15 ngày/ lần, tưới vào lúc chiều mát và rửa lại ngay sau 30 phút bón phân. Các nhà vườn thường sử dụng phân bón DAP với nồng độ 1-1,5% với 2l/m2.
- Trồng cây dó bầu
Có thể chọn cách trồng độc canh hoặc xem canh bởi dó bầu chịu bóng râm, có thể trồng xem canh với cà phê, tiêu, điều, cà phê, chè hoặc các cây ăn quả ngắn ngày. Tuy nhiên không nên trồng với cao su bởi cao su lớn rất nhanh và tán rộng.
Bước 1: Đào hố trồng dó bầu
Kích thước hố 40x40x30cm. với lượng phân bón thúc NPK từ 0,3-0,5 kg/hố, nên trộn với phân hữu cơ 1kg/ hố. Loại bỏ cỏ dại xung quanh hố. Hố này cần chuẩn bị trước 1 tháng để cây không bị sốc phân khi đem trồng.
Bước 2: Trồng cây
Bóc vỏ bầu, đặt bầu sâu hơn lớp đất tự nhiên 1- 2cm ngay ngắn giữa hố, lấp đất và nén chặt, vun gốc cao hơn mặt đất thường 2-3cm; vun xới nhẹ nhàng chung quanh gốc cây với bán kính 1 - 1.2m.
Mật độ trồng: Nếu trồng độc canh trên đất tốt nên trồng 1.600 - 2.000 cây/ha, nếu trồng xen canh hoặc đất không tốt chỉ nên trồng với mật độ 625 cây/ha (cự ly 4x4 m); 800 cây/ha (2.5x5 m); 1160 cây/ha (3x3 m) tùy chỉnh.
Bước 3: Chăm sóc
Bón phân 2 lần/năm vào 2 năm đầu với lượng phân NPK 100gr/cây. Các năm sau chỉ làm cỏ, xới đất quanh cây, tỉa bớt cành tạo dáng cho cây vươn cao. Tốt nhất không nên bón phân vô cơ mà nên tạo độ ẩm xung quanh gốc bằng phân hữu cơ.
Bước 4: Phòng trừ sâu bệnh
Dó bầu thường mắc các bệnh lở cổ rễ, thối thân, phấn trắng, cháy lá.., có thể sử dụng các loại thuốc như Brocdeau, Basudin hoặc Baylidin theo hướng dẫn ở bao bì. Các bệnh sâu ăn lá, sâu đục thân có thể dùng thuốc nội hấp hoặc thuốc tiếp xúc để phòng trừ.
3.2. Tạo trầm cho cây dó bầu
Về lý thuyết, làm trầm nhân tạo người ta chọn cây dó từ 7 - 8 năm tuổi có thể khoan rồi cho axít hoặc chế phẩm sinh học đợi vài năm sau tạo trầm.
Nhưng thực tế, nghe khái niệm về trầm hương, nhiều người lầm tưởng rằng chỉ cần cây dó bầu bị tổn thương là sẽ tụ trầm, nhưng thực tế không phải vậy. Đã rất nhiều nông dân thất vọng vì trồng cây đến 20 năm mà gỗ vẫn hoàn gỗ, không thấy mùi thơm. Nhiều người cứ nghĩ trồng , sẽ thành tỷ phú nhưng cây cứ phát triển tốt nhưng không tạo ra trầm.
Tạo trầm nhân tạo không phải là câu chuyện đùa, cũng có một vài nơi làm được. Nhưng có lẽ cần phải Việt Nam phải nghiên cứu thêm để tạo ra chế phẩm sinh hóa có thể tạo trầm nhân tạo tốt, tạo lợi thế trên thị trường hơn nữa, chúng ta có thể giúp người nông dân làm giàu từ cây trầm hương.
Vì vậy, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi có ý định trồng dó bầu với mong muốn đổi đời từ trầm hương nhé.
3.3. Giá trị kinh tế của cây dó bầu
Có lẽ giá trị kinh tế khi cây dó bầu có khả năng sinh trầm hương là không phải bàn, lợi nhuận thu được là khổng lồ nhưng để tạo ra được trầm hương nhân tạo không phải ai cũng có thể làm, bởi KHÔNG PHẢI CÂY DÓ BẦU NÀO CŨNG CÓ KHẢ NĂNG SINH TRẦM, kể cả khi đã bơm kích hóa chất cho chúng. Ở đây chúng ta có thể bàn về một giá trị khác từ lá của cây dó bầu.
- Lá cây dó bầu được sử dụng để điều chế ra các loại thực phẩm có chức năng hỗ trợ và tăng cường sức khỏe bằng cách phơi khô và làm thành cao, tuy nhiên phải là lá cây có tuổi đời 7 năm trở lên.
- Lá cây dó bầu từ 9 tháng tuổi trở lên được phơi khô, dùng làm trà uống cũng rất tốt cho sức khỏe.
Người nông dân có thể trồng và thu hoạch loại lá này phục vụ nhu cầu thị trường, từ đó cải thiện cuộc sống mà không cần quá mong chờ vào trầm hương.
Trên đây là một vài những kiến thức mà chúng tôi góp nhặt được, hi vọng nó có ích cho bạn, nếu muốn mua các sản phẩm từ trầm hương sạch tự nhiên đừng quên Trầm Hương An Nam nhé, chúc bạn một ngày tốt lành!
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm